Kinh doanh dịch vụ đòi nợ

371 Lượt xem

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Nên khi Doanh nghiệp muốn được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ ngoài việc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. 

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài dịch vụ đòi nợ. Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đầy đủ 2 yếu tố: Có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp và đã quá thời hạn thanh toán.

Những khoản nợ này không bao gồm các khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật; các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc nợ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia khác.

Nội dung hoạt động dịch vụ đòi nợ bao gồm: 

– Đại diện chủ nợ để xác định các khoản nợ, các nội dung liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách nợ; đôn đốc khách nợ trả nợ; thu nợ.

– Đại diện chủ nợ làm việc với tổ chức hoặc cá nhân có liên quan để thu nợ.

– Đại diện khách nợ để xác định các khoản nợ, biện pháp xử lý nợ với chủ nợ.

– Tư vấn pháp luật cho chủ nợ hoặc khách nợ về việc xác định nợ; biện pháp, quy trình, thủ tục xử lý nợ.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ: 

– Có mức vốn pháp định là 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng). Doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định.

– Người quản lý và Giám đốc chi nhánh doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

+ Có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.

+ Không có tiền án.

+ Những người đã làm việc cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khác đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải thoả mãn thêm điều kiện: trong ba năm trước liền kề, không giữ chức danh quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

– Người lao động trong doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ sáu tháng trở lên.

+ Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

+ Có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.

+ Không có tiền án.

Thành phần hồ sơ: 

1. Hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tùy vào loại hình doanh nghiệp muốn thành lập, có thể tham khảo những công việc sau: 

– “Đăng ký thành lập doanh nghiệp trong Công ty cổ phần

–  “Đăng ký thành lập doanh nghiệp trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

–  “Đăng ký thành lập doanh nghiệp trong Công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên

–  “Đăng ký thành lập doanh nghiệp trong Công ty hợp danh

–  “Đăng ký thành lập doanh nghiệp trong Doanh nghiệp tư nhân

2. Hồ sơ chứng minh điều kiện về vốn, cụ thể: 

– Biên bản góp vốn của các cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần; 

– Biên bản góp vốn của các thành viên sáng lập đối với công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên; 

– Quyết định giao vốn của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là một tổ chức;

– Bản đăng ký vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là cá nhân;

– Bản đăng ký vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân 

Trong trường hợp số vốn được góp bằng tiền, phải có xác nhận của ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam về số tiền ký quỹ của các thành viên sáng lập. Số tiền ký quỹ phải bằng số vốn góp bằng tiền của các thành viên sáng lập và chỉ được giải toả sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ;

Trường hợp số vốn góp bằng tài sản, phải có chứng thư của tổ chức có chức năng định giá ở Việt Nam về kết quả định giá tài sản được đưa vào góp vốn. Chứng thư phải còn hiệu lực tính đến ngày nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.

3. Hồ sơ chứng minh điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp, gồm:

– Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp đại học thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.Trường hợp bằng tốt nghiệp do nước ngoài cấp, thì phải được dịch ra tiếng Việt Nam và công chứng;

– Phiếu lý lịch tư pháp đối với cá nhân là công dân Việt Nam. Trường hợp cá nhân là người nước ngoài, phải có giấy chứng thực của chính quyền nước sở tại về việc cá nhân đó không có tiền án ở nước đó. Giấy chứng thực này phải được dịch ra tiếng Việt Nam và công chứng.

Nơi nộp hồ sơ: Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính.

Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Bên cạnh các loại giấy tờ trên, doanh nghiệp phải nộp thêm một số tài liệu sau: giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự: 

4. Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự kinh doanh dịch vụ đòi nợ :

Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự: 

– Được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

– Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh. Trong thời gian 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, làm nhục người khác. Và không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Đối với người Việt Nam:

+ Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

+ Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.

+ Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài: Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

– Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy:

+ Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở theo Điều 5 Thông tư 66/2014/TT-BCA 

+ Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở.

+ Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

+ Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

+ Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ (Xem chi tiết tại công việc 

+ Có Phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 21 Nghị định 79/2014/NĐ-CP (theo mẫu PC11 ban hành kèm Thông tư 66/2014/TT-BCA).

+ Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.

+ Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình quy định tại Danh mục dự án, công trình do cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP.)

+ Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy 

Thành phần hồ sơ:

1. Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của doanh nghiệp(Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP);

2. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp;

3. Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật;

4. Các giấy tờ kèm theo của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. cụ thể: 

– Đối với người Việt Nam ở trong nước:

Bản khai lý lịch (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP) có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú;

+ Phiếu lý lịch tư pháp (do Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia cấp cho công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; hoặc Sở Tư pháp cấp cho công dân Việt Nam đang thường trú hoặc tạm trú ở trong nước);

– Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:

Bản khai nhân sự (Mẫu số 02b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP);

+ Bản sao hợp lệ Hộ chiếu, Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Thị thực còn thời hạn lưu trú tại Việt Nam.

Phương thức nộp hồ sơ:

– Nộp trực tiếp;

– Nộp qua đường bưu chính;

– Nộp qua Cổng thông tin điện tử quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của Bộ Công an. Khi nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, doanh nghiệp phải chuyển cho cơ quan Công an có thẩm quyền các văn bản, tài liệu theo quy định.

Nơi nộp hồ sơ: Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Những việc cần làm sau khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự:

– Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh, cơ sở kinh doanh phải có Văn bản thông báo đủ điều kiện về an ninh, trật tự kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự gửi cho Công an xã, phường, thị trấn nơi cơ sở hoạt động kinh doanh.

– Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động, cơ sở kinh doanh có trách nhiệm cung cấp cho Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an các tài liệu sau đây:

+ Danh sách những người làm việc trong doanh nghiệp (mẫu ĐK11 ban hành kèm Thông tư 42/2017/TT-BCA);

Bản khai lý lịch (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP), Bản khai nhân sự  (Mẫu số 02b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP) của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh, trừ người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

Thống kê phương tiện phục vụ cho công tác bảo vệ.

– Lập sổ quản lý hoạt động kinh doanh (mẫu ĐK23 ban hành kèm Thông tư 42/2017/TT-BCA).

MỌI CHI TIẾT LIÊN HỆ: 

Hotline: 0911318759 

 Email: luatsurienghn@gmail.com

Địa chỉ :

Cơ sở 1: Tầng 3, số 1, phố Đỗ Quang, Trần Duy Hưng, Hà Nội

Cơ sở 2: 106 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.

luatsurieng

1
Bạn cần hỗ trợ?
btn-tuvanphapluat