Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bao gồm các nội dung sau đây:
– Ký kết các hợp đồng liên quan đến việc người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Tuyển chọn lao động;
– Dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động; tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
– Thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Thanh lý hợp đồng giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Các hoạt động khác của tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Mã ngành: 7810, 7820, 7830) thì cần đáp ứng các điều kiện sau:
1. Là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam.
2. Vốn pháp định là 5 tỷ đồng.
3. Có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Đề án hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải thể hiện năng lực tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ có đủ trình độ và kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đề án bao gồm những nội dung sau đây:
– Tên giao dịch, địa chỉ giao dịch, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, vốn và cơ cấu vốn, chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người đại diện doanh nghiệp theo ủy quyền, vốn, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (nếu là doanh nghiệp đang hoạt động).
– Phương án tổ chức bộ máy hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
– Dự kiến thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ngành nghề đưa lao động đi, địa bàn tuyển chọn lao động.
– Phương án tuyển chọn người lao động, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài.
– Phương án tài chính để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
4. Có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trường hợp doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
5. Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;
6. Có tiền ký quỹ theo quy định của Chính phủ.
Mức tiền ký quỹ là một tỷ đồng. Trường hợp tiền ký quỹ được sử dụng để giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiền ký quỹ được sử dụng, doanh nghiệp phải nộp bổ sung cho đủ mức tiền ký quỹ theo quy định.
Doanh nghiệp ký quỹ tại Ngân hàng Thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Doanh nghiệp gửi ngân hàng giấy đề nghị mở tài khoản tiền ký quỹ (mẫu Phụ lục 01 Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BLĐTBXH-NHNNVN).
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm:
1. Văn bản đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp (theo mẫu tại Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH);
2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
3. Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về vốn;
4. Giấy xác nhận ký quỹ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp ký quỹ;
5. Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
6. Sơ yếu lý lịch của người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài kèm theo giấy tờ chứng minh đủ điều kiện (Bằng đại học trở lên và Hợp đồng lao động hoặc giấy tờ tương đương khác);
7. Phương án tổ chức (đối với doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) hoặc báo cáo về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
8. Danh sách trích ngang cán bộ chuyên trách trong bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm các nội dung: họ tên, ngày tháng năm sinh, chức vụ, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, nhiệm vụ được giao.
Nơi nộp hồ sơ: Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp không cấp Giấy phép, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp.
Sau khi được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm, doanh nghiệp phải thực hiện Công bố Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể:
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép, doanh nghiệp phải có văn bản thông báo kèm theo bản sao Giấy phép gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và niêm yết công khai bản sao Giấy phép tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
– Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép, doanh nghiệp phải đăng nội dung Giấy phép trên một trong các tờ báo viết của trung ương hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp.
Lưu ý: Doanh nghiệp được cấp Giấy phép phải trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.